Bệnh học BÀI 1 MỘT SỐ KHÁI NIỆM ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BỆNH HỌC

BÀI 1

MỘT SỐ KHÁI NIỆM ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BỆNH HỌC

 

MỤC TIÊU

Hiểu và trình bày được một số khái niệm sử dụng trong bệnh học.

NỘI DUNG

  1. Định nghĩa bệnh

1.1.Định nghĩa:

Từ trước tới nay đã có rất nhiều quan niệm về bệnh. Hiện nay thường sử dụng định nghĩa về bệnh như sau:

Bệnh là bất kỳ sự sai lệch hoặc tổn thương về cấu trúc và chức năng của bất kỳ bộ phận cơ quan, hệ thống nào của cơ thể, biểu hiện bằng một tập hợp triệu chứng đặc trưng, giúp cho thầy thuốc có thể chuẩn đoán xác định và chuẩn đoán phân biệt bệnh, mặc dù nhiều khi ta chưa rõ về nguyên nhân, bệnh lý học và tiên lượng.

Ngoài định nghĩa chung về bệnh, mỗi bệnh cụ thể còn có định nghĩa riêng của nó để không thể nhầm lẫn với bất kỳ bệnh nào khác.

1.2.Các thời kỳ của bệnh:

Trong những trường hợp điển hình, bệnh bao gồm 4 thời kỳ, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có thể thiếu một thời kỳ nào đó.

– Thời kỳ tiềm tàng (đối với các bệnh nhiễm khuẩn gọi là thời kỳ ủ bệnh): Là thời kỳ từ khi bệnh nguyên tác dụng lên cơ thể cho đến khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, ở thời kỳ này không có biểu hiện lâm sàng nào; tuy nhiên bằng các phương pháp thăm dò hiện đại, hiện nay nhiều bệnh đã được phát hiện ngay trong thời kỳ này. Tùy theo từng bệnh mà thời kỳ này có thể dài nhiều tháng, nhiều năm (bệnh phong, bệnh lao, AIDS…) hay ngắn (sốc phản vệ, ngộ độc cấp) hoặc không có (ví dụ như chết do bỏng, điện giật…)

– Thời kỳ khởi phát: Từ khi có những triệu chứng đầu tiên đến khi xuất hiện đầy đủ triệu chứng của bệnh. Thời kỳ này dài hay ngắn cùng tùy theo từng bệnh.

– Thời kỳ toàn phát: Triệu chứng đầy đủ và điển hình nhất, tuy nhiên vẫn có những thể không điển hình.

– Thời kỳ kết thúc: Khác nhau tùy từng bệnh và từng cá thể với kết cục có thể là khỏi hẳn khỏi có di chứng hoặc chết.

1.3.Phân loại bệnh: Có nhiều cách phân loại bệnh, mỗi cách mang một lợi ích nhất định (về nhận thức và thực hành). Các cách phân loại tồn tại song song và không phủ định nhau. Trong thực tế thường phân loại theo các cách như sau:

– Phân loại theo cơ quan bị bệnh: Bệnh tim mạch, bệnh hô hấp…

– Phân loại theo nguyên nhân gây bệnh: Bệnh nhiễm trùng, bệnh nghề nghiệp..

– Phân loại theo tuổi, giới: Bệnh ở trẻ em (nhi khoa), bệnh ở người cao tuổi (lãokhoa).

– Phân loại theo bệnh sinh: Bệnh dị ứng, bệnh tự miễn…

2.Bệnh nguyên (Aetiology)

Bệnh nguyên là tất cả các nguyên nhân có vai trò gây bệnh. Bệnh nguyên học là môn học nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh, bản chất và cơ chế tác động của chúng, cùng với những điều kiện thuận lợi để các nguyên nhân gây bệnh phát huy tác dụng. Ví dụ: nguyên nhân gây bệnh lao là vi khuẩn tác động vào cơ thể với điều kiện thuận lợi là tình trạng miễn dịch của cơ thể và vệ sinh môi trường kém.

Khi đề cập đến bệnh nguyên của một bệnh thường có phần nguyên nhân và điều kiện thuận lợi. Nguyên nhân quyết định tính đặc hiệu của bệnh, điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho nguyên nhân gây bệnh. Có nguyên nhân cần nhiều, cần ít hoặc không cần điều kiện thận lợi. Nguyên nhân trong trường hợp này có thể là điều kiện trong trường hợp khác và ngược lại: ví dụ thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân của suy dinh dưỡng nhưng chỉ là điều kiện của bệnh lao.

3.Bệnh sinh (Pathogenesis)

Bệnh sinh là quá trình diễn biến của bệnh từ khi phát sinh cho đến khi kết thúc. Bệnh sinh học là môn học nghiên cứu các quy luật về sự phát sinh, quá trình phát triển và sự kết thúc của một bệnh cụ thể, nhằm phục vụ cho điều trị và phòng bệnh.

Bệnh sinh của một bệnh trả lời cho câu hỏi: Bệnh khởi đầu như thế nào? Diễn biến ra sao? Và kết thúc như thế nào? Khi đề cập đến bệnh sinh, người ta thường mô tả những thay đổi về chức năng của một cơ quan, một hệ thống cơ quan hoặc toàn bộ cơ thể khi bị bệnh cũng như những đáp ứng của cơ thể đối với các thay đổi chức năng đó.

– Khái niệm bệnh sinh và nguyên nhân được phân biệt một cách rõ ràng nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Bệnh sinh (quá trình diễn biến của một bệnh) chịu ảnh hưởng rất rõ của bệnh nguyên: cùng một số bệnh nguyên nhưng nếu thay đổi cường độ, liều lượng, thời gian, vị trí tác dụng lên cơ thể thì có thể gây ra những quá trình bệnh sinh khác nhau.

4.Sinh lý bệnh(Pathophysiology)

Sinh lý bệnh là môn học nghiên cứu về những thay đổi chức năng của cơ thể, cơ quan, mô và tế bào khi bị bệnh.

Khi đề cập đến sinh lý bệnh của một bệnh cụ thể là nói về hậu quả của những bất thường sinh lý do bệnh nguyên gây ra. Ví dụ như sinh lý bệnh của bệnh đái tháo đường nói về những rối loạn chuyển hóa và cơ chế xuất hiện các biến chứng do tình trạng tăng đường huyết mãn tính gây ra.

Trong một số trường hợp bệnh chưa đầy đủ về nguyên nhân, thì việc phân định rõ ràng bệnh nguyên, bệnh sinh và sinh lý bệnh có thể gặp khó khăn. Các nội dung này thường được trình bày chung trong phần cơ chế bệnh sinh.

  1. Giải phẫu bệnh (Pathologico – anatomy)

Giải phẫu bệnh học là khoa học phân tích bệnh tật về tổn thương hình thái và cơ chế. Giải phẫu bệnh của một bệnh là mô tả những tổn thương về hình thái, các tổn thương này được mô tả qua các giác quan; các phản ứng hóa học, enzyra học, miễn dịch học và kính hiển vi. Ví dụ như giải phẫu bệnh của bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn là mô tả những tổn thương của màng đáy mao mạch cầu thận và sự lắng đọng các thành phần miễn dịch tại màng lọc cầu thận được phát hiện bằng kính hiển vi thường hoặc kính hiển vi thường và kính hiển vi điện tử và phản ứng miễn dịch.

6.Bệnh án

Bệnh án là một văn bản ghi chép tất cả những gì cần thiết cho việc nắm tình hình bệnh tật của một bệnh nhân cụ thể từ lúc bắt đầu nằm viện cho đến lúc ra viện, bao gồm những chi tiết có liên quan đến bệnh và cách theo dõi, điều trị bệnh.

7.Bệnh sử

Bệnh sử là phần trình bày tóm tắt lý do bệnh nhân đi khám bệnh và những diễn biến của bệnh từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên được khai thác bằng cách hỏi bệnh nhân.

 

 

 

8.Tiền sử

Tiền sử bản thân: Là phần trình bày tóm tắt những bệnh trước đây bệnh nhân đã mắc: mắc ở trong khoảng thời gian nào? Điều trị ra sao?

Và một số đặc điểm riêng của bệnh nhân như dị ứng, thai nghén…

Tiền sử gia đình: Đề cập đến tình trạng sức khỏe và bệnh tật của bố mẹ, anh chị em vợ chồng, con cái; đặc biệt lưu ý đến những bệnh có đặc tính di truyền hoặc các hoàn cảnh có thể dẫn đến phát sinh bệnh ở bệnh nhân.

9.Triệu chứng

Triệu chứng bao gồm triệu chứng lâm sàng (cơ năng và thực thể) và triệu chứng cận lâm sàng (các xét nghiệm), các triệu chứng giúp ích cho thầy thuốc trong chuẩn đoán và theo dõi và điều trị.

Triệu chứng cơ năng (symptoms): Là những triệu chứng mang tính chủ quan mà bệnh nhân cảm nhận được và kể lại với thầy thuốc khai thác được bằng cách hỏi bệnh.

Triệu chứng thực thể (signs): Là những triệu trứng mang tính khách quan mà thầy thuốc phát hiện được bằng các động tác thăm khám lâm sàng.

Triệu chứng cận lâm sàng (investigations): Là những triệu chứng phát hiện được qua những phương tiện khác như chụp X quang, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa.

Hội chứng (syndromes): Là một nhóm tập hợp các triệu chứng kết hợp với nhau trong những bệnh nhất định, ví dụ như khi khám phổi thấy ở một vùng có rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm, gõ đục thì gọi là có hội chứng đông đặc.

10.Chẩn đoán (diagnosis)

Chẩn đoán là quá trình phát hiện các triệu chứng và tập hợp các triệu chứng để tìm ra bệnh. Chẩn đoán sơ bộ là dựa trên triệu chứng lâm sàng có được bằng hỏi bệnh, khám bệnh ban đầu để thầy thuốc tập hợp thành những hội chứng, dựa vào đó đề ra những xét nghiệm, thăm dò cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh và chẩn đoán nguyên nhân. Chẩn đoán phân biệt là quá trình loại trừ một số bệnh khác cùng có những triệu chứng tương tự./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.