Làm việc 10 giờ mỗi ngày với bệnh nhân và người nhà của họ, chị Triệu Thu Thủy nói công việc điều dưỡng khó hơn làm dâu trăm họ.
5 năm trước, điều dưỡng Thủy vào ca trực đêm của mình ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi đo huyết áp cho bệnh nhân được vài phút thì chị phát hiện có dấu hiệu bất thường. Người bệnh đang hoàn toàn bình thường bỗng tím tái, khó thở, co giật rồi tim ngừng đập.
Nữ điều dưỡng: ‘Không thực sự yêu nghề đừng chọn ngành y’ Làm việc 10 giờ mỗi ngày với bệnh nhân và người nhà của họ, chị Triệu Thu Thủy nói công việc điều dưỡng khó hơn làm dâu trăm họ. 5 năm trước, điều dưỡng Thủy vào ca trực đêm của mình ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi đo huyết áp cho bệnh nhân được vài phút thì chị phát hiện có dấu hiệu bất thường. Người bệnh đang hoàn toàn bình thường bỗng tím tái, khó thở, co giật rồi tim ngừng đập. Mọi việc diễn ra quá nhanh, điều dưỡng không kịp trở tay. “Chân tôi cứng lại, tay vẫn cầm ống tai nghe đo huyết áp”, cô điều dưỡng khi ấy còn rất trẻ, kể về ca trực đáng nhớ nhất của mình. “Chưa bao giờ Thủy thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh như vậy”. Giây phút đó khiến Thủy ý thức hơn về nghề nghiệp của mình. Cô tự nhủ cần phải nỗ lực hơn để hoàn thành tốt công việc. Hiện, Triệu Thu Thủy, 26 tuổi, làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Bạch Mai là bệnh viện tuyến đầu ở miền Bắc. Riêng khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận mỗi ngày hơn 200 ca bệnh, trong đó đến 70% là bệnh nặng, nên áp lực của y bác sĩ điều dưỡng ở khoa này luôn rất nặng.
“Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề y”, Thủy nói.
Trước đây, Thu Thủy thi vào đại học sư phạm với ước mơ trở thành cô giáo, nhưng không đỗ. Từ một người không phân biệt được điều dưỡng và y tá khác nhau thế nào, chưa từng đến bệnh viện cũng không hiểu gì nhiều về nghề y, Thủy lại quyết định thi vào trung cấp y.
“Vậy mà đến nay đã là năm thứ 5 theo nghề rồi”, cô nói.
Thủy kể, ban đầu khi thi đậu trung cấp y rồi vào viện làm, gia đình ai cũng mừng bảo “có người nhà làm ngành y là yên tâm”. Chỉ riêng Thủy âm thầm suy nghĩ về những vất vả, khó khăn đang chờ phía trước.
“Ở viện nhiều hơn ở nhà”. Công việc một điều dưỡng của chị Thủy khoảng 9-10 giờ và chăm sóc hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Những ca trực đêm vừa chợp mắt vài phút thì lại vang lên tiếng còi cấp cứu. Theo thói quen, tất cả y bác sĩ điều dưỡng lại đứng dậy rồi tất bật với công việc quên thời gian.
Buổi trưa, điều dưỡng thường nghỉ ngơi từ 11h30 trong hai tiếng đồng hồ. Hầu hết mọi người đều mang cơm đến viện rồi cùng ngồi ăn với nhau trong phòng nghỉ. Giờ nghỉ trưa ngắn ngủi nhưng cũng là lúc để mọi người tranh thủ lấy lại tinh thần và năng lượng để tiếp tục công việc của mình.
Điều dưỡng Thủy đang kiểm tra thuốc để tiêm cho người bệnh. Ảnh: Thùy An
Khoa hồi sức là khoa chăm sóc toàn diện, nên áp lực công việc của một điều dưỡng cũng nhiều hơn. Buổi sáng, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các điều dưỡng viên sẽ chăm sóc người bệnh từ vệ sinh răng miệng, cho ăn, thay bỉm, hút đờm… Điều dưỡng cũng liên tục theo dõi diễn biến bệnh mà không có sự hỗ trợ của người nhà.
Là người hiểu rõ bệnh nhân nhất, điều dưỡng viên luôn phải tập trung để kịp thời ứng phó, xử trí khi người bệnh có dấu hiệu bất thường. Họ còn phải nắm rõ tên thuốc, liều lượng, tác dụng phụ để tư vấn cho người bệnh và gia đình.
“Bệnh nhân mỗi người một tính, khi có bệnh lại càng khó chiều”, chị Thủy chia sẻ. Điều dưỡng ngoài công việc thường ngày còn là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh và người nhà. Khi gặp ca cấp cứu nặng, điều dưỡng phải trấn an để người nhà bình tĩnh, nhất là vào những ca trực đêm.
Công việc quần quật, thường xuyên phải chịu đựng những bực bội, cáu gắt vô cớ của nhiều bệnh nhân cùng người nhà khiến chị nhiều lúc khóc thầm.
“Ai cũng mong nhanh đến ngày nghỉ để nghỉ ngơi, còn ở viện càng vào ngày nghỉ thì công việc lại càng bận rộn”, Thủy tâm sự.
Anh Nguyễn Lê Ngọc 23 tuổi, là điều dưỡng nam làm việc tại khoa hồi sức cấp cứu. Nghề điều dưỡng được anh ví là nghề “bán mồ hôi, nở nụ cười”, bởi dù công việc áp lực thì người điều dưỡng vẫn phải giữ tinh thần tươi tỉnh để giúp đỡ người bệnh.
Công việc trong khoa nặng nhẹ đều được chia đều, không phân biệt nam nữ. “Nhiều lúc thấy thương những điều dưỡng nữ vô cùng”, anh Ngọc tâm sự.
Điều dưỡng viên đang hút đờm cho bệnh nhân, 3 giờ hút một lần. Ảnh: Giang Huy
Chồng của chị Thủy cũng là một điều dưỡng. Sáng nào thức dậy, vợ chồng cũng đều bảo ban nhau nỗ lực làm việc. Những lúc vất vả, họ lấy gia đình làm động lực để có thêm nhiệt huyết cống hiến với nghề.
Khi ở viện, các điều dưỡng viên cũng thường xuyên động viên nhau làm việc. Có nhiều ca trực, mọi người góp gạo thổi cơm chung hay tổ chức những bữa tiệc sinh nhật nhỏ cho nhau. Chị Thủy cho rằng chính tình yêu thương đó giúp cho những người điều dưỡng yêu nghề và bản lĩnh hơn.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn làm một điều dưỡng”, Thủy tâm sự. “Nếu không thực sự yêu nghề, xin đừng chọn ngành y”.